ĐỌC CHỈ SỐ RATING CHUYÊN NGHIỆP NHƯ DÂN TRONG NGHỀ

ĐỌC CHỈ SỐ RATING CHUYÊN NGHIỆP NHƯ DÂN TRONG NGHỀ

Cụm từ rating không quá xa lạ đối với những ai yêu thích phim ảnh hay chương trình truyền hình.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu đúng rating là gì, đo rating bằng cách nào, tại sao tôi đọc báo X đăng rating chương trình A là 5%, báo Y đăng là 10%, tại sao bộ phim tôi yêu thích lại có rating thấp, v.v... Bài viết này cung cấp hiểu biết tổng quan nhất về chỉ số rating và cách đọc đúng, mời các bạn cùng tìm hiểu.

Rating là gì?

Rating là một đơn vị đo lường khán giả truyền hình, dùng để chỉ số lượng khán giả bình quân trên 1 phút của một phương tiện truyền thông (có thể là một chương trình, một mẩu quảng cáo, một tập phim…), tính bằng % dân số.

Có 2 đơn vị thường dùng để biểu thị rating: thứ nhất là tỷ lệ phần trăm tương đối (%) hoặc số tuyệt đối (000).

Ví dụ: Ở Cần Thơ, chương trình A có rating 5% hay 100 000. Nghĩa là ở Cần Thơ, trung bình 1 phút có 100 000 người xem chương trình A, tương ứng 5% dân số Cần Thơ.

Đối với ngành truyền hình, rating là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của nội dung một chương trình hay một quảng cáo nào đó.

Đối với khán giả, hiểu đơn giản thì rating được dùng để đánh giá mức độ quan tâm của họ đối với một chương trình truyền hình, một bộ phim cụ thể. Khán giả vẫn thường cho rằng bộ phim này có nội dung hay đồng nghĩa với việc có rating cao và ngược lại.

Về mặt kỹ thuật, rating được đo như thế nào?

Trước hết, công ty đo rating sẽ tiến hành khảo sát, chọn ra những hộ gia đình làm mẫu đại diện để triển khai hoạt động đo lường khán giả. Khảo sát dựa trên các tiêu chí như số thành viên trong hộ, số tivi hộ sở hữu, thành phần kinh tế-xã hội, phương tiện thu sóng…) nhằm đảm bảo tính đại diện cho dân số tại khu vực đó.

Nhiều năm về trước, những hộ gia đình mẫu sẽ được phát một bảng ghi chép, nôm na là nhật ký. Trong đó hàng ngày ghi chép lại ai trong gia đình đã xem những chương trình nào, xem lúc nào, xem bao lâu, v.v…

Sau này, nhằm tối đa sự chính xác, cũng như tiết kiệm thời gian thu thập nhật ký và nhập liệu, thống kê, tính toán…, công nghệ People Meter đã ra đời. Các tivi của hộ gia đình mẫu được lắp đặt thiết bị People Meter để ghi nhận toàn bộ hành vi xem truyền hình (thời gian bật/tắt, ai xem, thời gian xem, xem bao lâu, chương trình nào, kênh nào…) của các thành viên trong hộ gia đình. People Meter tự động thu lại và chuyển về trung tâm dữ liệu bằng kết nối GPRS. Nhờ đó, tất cả thói quen, hành vi xem truyền hình đều được thu thập tự động, đầy đủ, nhanh chóng, và ước tính chính xác đến từng giây.

Điều này cũng giải thích cho việc nếu khán giả không xem chương trình đó trên tivi, mà xem trên các ứng dụng khác, hay xem trên website, v.v…, thì sẽ không được tính vào rating chương trình.

Tại sao báo X đăng rating chương trình A là 5%, báo Y đăng là 10%. Vậy báo nào đúng? Tại sao bộ phim yêu thích của tôi có rating thấp?

Đây chắc hẳn là nhiều trăn trở của những fan phim truyền hình chính hiệu. Mách nhỏ với các bạn, câu hỏi đúng phải là, rating đang nói là ở thị trường nào, nhóm khán giả nào?

Tiếp nối ví dụ ở phần trước:

Ở Cần Thơ, chương trình A có rating 5% hay 100 000 người. Trong khi đó, Hà Nội có dân số cao hơn Cần Thơ. Vì thế, cũng là 5% rating ở Hà Nội thì lại tương ứng lượng khán giả xem chương trình là 300 000.

Đó là lí do khi công bố chỉ số rating, bắt buộc phải kèm theo thông tin rating này của nhóm khán giả nào và thành phố/địa phương nào, như vậy thì chỉ số rating mới đầy đủ và đáng tin cậy.

Tương tự về phía khán giả, một mẹo vô cùng hữu ích khi đọc chỉ số rating chính là hãy chú ý đến nhóm khán giả, thành phố/địa phương, kênh… Đối với phim nhiều tập, cần chú ý thêm rating được đo trong khoảng thời gian nào (theo tập, theo tuần/tháng, hay suốt thời gian cả bộ phim được chiếu).

Ví dụ: Bộ phim Z vừa mới phát sóng được 3 tập, thu hút nhiều khán giả tò mò vào xem. Điều này có thể dẫn đến rating của bộ phim A trong 3 tập đầu rất cao. Nhưng nếu nội dung phim về sau không còn hấp dẫn, rating sẽ sụt giảm, dẫn đến rating của cả bộ phim (trung bình của tất cả các tập) sẽ thấp hơn những tập đầu.

Rating cao, rating thấp? Đã là GU thì không có đúng sai. Nhưng phải đọc rating đúng!

Sau khi đã đọc đúng rồi thì đừng quên rằng những gì thuộc về thị hiếu, đam mê thì không có đúng sai.

Ví dụ: Gameshow C có chủ đề về cải lương Nam Bộ. Nếu đo rating tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), C có rating lên đến 20%, trong khi đó, rating tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chỉ có 2%. Có thể giải thích bằng việc ĐBSCL chính là cái nôi sinh ra bộ môn cải lương, nên khán giả yêu thích theo dõi gameshow C, còn người dân ĐBSH lại chuộng quan họ, dân ca hơn chẳng hạn.

Tóm lại, rating cao hay thấp đều có giá trị sử dụng như nhau. Hiểu về rating chỉ chính xác khi chúng ta có đầy đủ thông tin: nhóm khán giả nào, kênh nào, và quan trọng nhất là ở thành phố/địa phương nào.